Bệnh trầm cảm ở trẻ vị thành niên là gì?
Trầm cảm ở tuổi vị thành niên là một chứng rối loạn ảnh hưởng đến thanh thiếu niên. Nó dẫn đến sự buồn bã, chán nản và đánh mất giá trị bản thân cũng như hứng thú với các hoạt động thường ngày của cúng.
Biểu hiện của bệnh trầm cảm ở trẻ vị thành niên
Con bạn có thể đang mắc chứng trầm cảm nếu xuất hiện những biểu hiện dưới đây:
- Tâm trạng thường trong trạng thái buồn bã hoặc cáu kỉnh. Con có thể nói mình cảm thấy buồn, tức giận; hoặc có thể trông như sắp khóc và mệt mỏi.
- Không còn tận hưởng những điều đã từng khiến con hạnh phúc.
- Thay đổi rõ rệt về cân nặng hoặc thói quen ăn uống (tăng lên hoặc giảm đi)
- Ngủ quá ít vào ban đêm hoặc quá nhiều vào ban ngày.
- Không còn muốn ở bên gia đình, bạn bè.
- Cảm thấy không có động lực, không thể thực hiện những công việc đơn giản.
- Cảm thấy tội lỗi hoặc bản thân không có giá trị. Lòng tự trọng thấp.
- Khó khăn với việc tập trung hoặc đưa ra quyết định. Điểm số ở trường có thể giảm.
- Không quan tâm đến những gì sẽ xảy đến trong tương lai.
- Gặp những cơn đau trong khi không có vấn đề về thể chất.
- Thường xuyên nghĩ về cái chết hoặc tự tử.
Bất kỳ dấu hiệu nào trong số này đều có thể xảy ra ở những đứa trẻ tâm lý khỏe mạnh, nhưng khi chúng xuất hiện cùng lúc và thường xuyên, đó chính là dấu hiệu của bệnh trầm cảm.
Bố mẹ nên làm gì nếu bố mẹ nghĩ con mình đang bị trầm cảm?
- Trò chuyện về cảm xúc của con, chia sẻ những điều có thể khiến con bận tâm cả ở nhà và ở trường.
- Trao đổi với bác sĩ của con. Một số vấn đề y tế có thể gây ra trầm cảm. Bác sĩ có thể gợi ý các phương pháp trị liệu (tư vấn để cải thiện cảm xúc và hành vi) hoặc thuốc uống điều trị trầm cảm.
- Tự sát đã trở thành một trong những nguyên nhân gây ra cái chết hàng đầu ở thanh thiếu niên. Vì vậy, cha mẹ có thể cho con (độ tuổi từ 12 đến 21) khám định kỳ hàng năm để chẩn đoán chứng trầm cảm. Bất kỳ ý nghĩ tự sát nào ở con trẻ cũng cần được xem là trường hợp khẩn cấp.
Bố mẹ có thể làm gì để giúp đỡ con khi bị trầm cảm?
Tăng cường sức khỏe
- Bí quyết để có sức khỏe tinh thần tốt bao gồm chế độ ăn uống lành mạnh, ngủ đủ giấc, thể dục thể thao và kết nối với những người xung quanh.
- Hạn chế thời gian sử dụng thiết bị điện tử, tăng cường hoạt động thể chất và các hoạt động giải trí với bạn bè, gia đình để giúp phát triển sự gắn kết với những người xung quanh.
- Dành thời gian để xây dựng mối quan hệ cha mẹ – con cái, khen ngợi nhiều hơn, khuyến khích con tìm kiếm sự chăm sóc, giúp đỡ và chỉ ra những điểm mạnh của con.
Đảm bảo sự an toàn và riêng tư
- Trò chuyện với con về vấn đề bắt nạt và bạo lực học đường. Đây là một trong số những nguyên nhân chính dẫn đến các vấn đề về sức khỏe tâm thần.
- Nếu gặp những biến cố như người thân qua đời, hãy tìm kiếm sự giúp đỡ nếu cảm giác đau buồn, mất mát không thuyên giảm.
- Giảm thiểu căng thẳng vì hầu hết trẻ ở độ tuổi vị thành niên chưa có khả năng chịu đựng tốt. Điều chỉnh lượng bài tập về nhà hợp lý là rất quan trọng, đồng thời không áp đặt kỳ vọng quá cao về thành tích của con.
- Dao, dây thừng/dây cáp dài, thuốc (bao gồm cả thuốc không kê đơn), và rượu nên được cất trữ, giám sát chặt chẽ trong nhà.
Nâng cao nhận thức tới mọi người xung quanh
- Con bạn không phản ứng thái quá hay dựng chuyện
- Triệu chứng trầm cảm có thể giống với sự lười biếng hoặc thái độ nóng nảy
- Chia sẻ về tiền sử mắc chứng trầm cảm của gia đình để tăng cường hiểu biết.
Giúp con bạn học các kỹ năng tư duy và đối phó
- Giúp con thư giãn bằng các hoạt động thể chất và hoạt động mang tính sáng tạo. Tập trung vào điểm mạnh của con.
- Trò chuyện, lắng nghe con với tình yêu thương và sự hỗ trợ. Khuyến khích con chia sẻ về cảm xúc của mình, bao gồm cả suy nghĩ về cái chết hoặc tự sát. Đảm bảo với con rằng đây là những suy nghĩ phổ biến ở người mắc chứng trầm cảm.
- Giúp con nhìn nhận vấn đề theo một cách tích cực hơn.
- Chia các kế hoạch, nhiệm vụ thành từng bước nhỏ để con có thể dễ dàng thực hiện.
Lập kế hoạch an toàn
- Theo sát phác đồ điều trị. Đảm bảo con bạn tham gia đủ các buổi trị liệu và dùng thuốc theo đúng chỉ dẫn.
- Điều trị sẽ có tác dụng sau một vài tuần. Bệnh nhân có thể không nhận ra ngay những thay đổi trong tâm trạng và có thể trở nên chán nản do tác dụng phụ ban đầu của phương pháp điều trị (ví dụ như thuốc chống trầm cảm).
- Lên danh sách những người có thể liên lạc khi cảm xúc trở nên tồi tệ.
- Đề phòng các yếu tố nguy cơ dẫn đến tự sát, bao gồm nói về ý nghĩ tự sát (trực tiếp hoặc trực tuyến), cho đi đồ đạc cá nhân và lạm dụng chất kích thích.
- Lưu lại thông tin liên lạc của bác sĩ, nhà trị liệu và nhóm hỗ trợ sức khỏe tâm thần tại địa phương.
>> Đọc thêm: 16 Quy Tắc Nói Sao Cho Trẻ Nghe Lời