fbpx
Làm cha mẹ

16 quy tắc nói sao cho trẻ nghe lời

By Tháng Năm 6, 2021Tháng Ba 1st, 2022No Comments
Mỗi bậc phụ huynh chúng ta đều luôn mong muốn con cái của mình là một đứa trẻ ngoan ngoãn, luôn nghe lời, không cãi lại,… Thế nhưng, không phải ai cũng biết cách nói sao cho trẻ nghe lời mình mà hầu hết chúng ta đều dùng cái “quyền uy” của một người làm cha làm mẹ để bắt buộc nó. Vậy đó có phải là một cách làm thông minh không? Hay cũng Sworld tìm hiểu xem nhé!!

Phần 1: Giúp trẻ giải quyết cảm xúc

Giúp trẻ giải quyết cảm xúc

Trẻ em cần người lớn chấp nhận và tôn trọng cảm xúc

Quy tắc số 1: Không nghe nửa vời

  • Thật là bực mình khi mình nói mà bố mẹ cứ mải làm việc khác
  • Khi có khó khăn, người đầu tiên trẻ muốn chia sẻ vẫn là bố mẹ (nếu bố mẹ là người biết lắng nghe, và nếu như vấn đề không phải chính là bố mẹ)
  • Đôi khi bố mẹ không cần phải làm gì cả. Tất cả những gì trẻ cần là một sự im lặng cảm thông

Quy tắc số 2: Không chất vấn, không giáo huấn

  • Trẻ sẽ không thể suy nghĩ một cách rành mạch và chia sẻ mang tính xây dựng được khi bị chất vấn, bị đổ lỗi hoặc bị giáo huấn.
  • Sẽ hiệu quả hơn chỉ bằng vài từ đơn giả “Ơ…Ừ…” hoặc “Đúng rồi.”
  • Các bạn hãy nói những từ này với một thái độ ân cần, gợi mở cho trẻ bộc lộ hết suy nghĩ và cảm xúc, và rất có thể trẻ sẽ tự tìm được ra hướng giải quyết.

Quy tắc số 3: Không phủ nhận cảm xúc

  • Cha mẹ thường không có thói quen này vì họ sợ nếu gọi tên cảm xúc ra, họ sẽ làm cho tình hình tệ hơn.
  • Thực tế hoàn toàn ngược lại.
  • Đứa trẻ lại cảm thấy thoải mái hơn khi cảm xúc của chúng được gọi tên.
  • Vì có người thừa nhận những cảm xúc bên trong của chúng.

Quy tắc số 4: Không giải thích theo logic của người lớn

  • Khi trẻ đòi một thứ mà chúng không thể có được, cha mẹ thường giải thích lý do tại sao mà cha mẹ không thể cho chúng được.
  • Thường thì chúng ta càng giải thích, trẻ lại càng phản ứng
  • Đôi khi chỉ cần có người hiểu được là chúng thèm món đồ đó thế nào là chúng có thể cảm thấy chấp nhận được sự thiếu thốn đó. Đừng đưa quá nhiều thông tin tiêu cực (nhà không có điều kiện, con không biết giữ đồ chơi, học thì dốt mà thích đòi hỏi – quay lại Quy tắc số 2 – không giáo huấn), hãy chia sẻ sự mong muốn của trẻ và hi vọng con sẽ sớm đạt được ước nguyện đó khi có thể, đưa ra giải pháp th thế hợp lý.
Khi tất cả các cảm xúc được ghi nhận, một số hành động tiêu cực sẽ bị hạn chế.
Bài tập về nhà: Ít nhất một lần nói chuyện và thừa nhận cảm xúc của con. Nhớ ghi lại những thứ bạn đã nói. Hoặc ghi chép lại một lần bạn thực hiện quy tắc trên, dù thành công hay thất bại cũng ghi chép lại nhé.

Phần 2: Tăng cường sự hợp tác từ trẻ

Tăng cường sự hợp tác từ trẻ

Tăng cường sự hợp tác từ trẻ

Những lỗi chúng ta thường mắc phải:
  • Đổ lỗi
  • Gọi con là “đồ” này “đồ” nọ
  • Đe doạ
  • Giáo huấn
  • So sánh

Quy tắc số 5: Hãy mô tả

  • Sẽ khó để trẻ nhận ra cần phải làm gì khi người ta chỉ nhấn mạnh vào việc nó đang làm sai điều gì.
  • Sẽ dễ dàng hơn nếu bạn mô tả vấn đề.
  • Khi người lớn mô tả vấn đề, trẻ con sẽ tự hiểu nó cần phải làm gì.
Không nên: Bố bảo con bao nhiêu lần là ra khỏi nhà vệ sinh là phải tắt đèn cơ mà.
Nên: Đèn nhà vệ sinh vẫn còn sáng kìa.

 

Quy tắc số 6: Đưa thông tin

 

  • Việc tiếp nhận thông tin sẽ dễ dàng hơn nhiều so với việc tiếp nhận những lời buộc tội.
  • Khi trẻ có được thông tin, thường thì chúng sẽ biết cần phải làm gì.
Không nên: Nếu bố còn bắt gặp con vẽ lên tường một lần nữa, là bố cho ăn đòn đấy nhé!
Nên: Tường không phải để vẽ. Muốn vẽ con phải vẽ vào giấy nhé.

 

Quy tắc số 7: Nói ngắn gọn, đôi khi chỉ cần một từ thôi

 

  • Trẻ con không thích nghe những lời giáo huấn, quở mắng, và giải thích dài dòng.
  • Đối với chúng, mệnh lệnh càng ngắn, càng hiệu quả.
Không nên: Mẹ đã bảo mấy đứa là thay quần áo ngủ để đi ngủ mà từ nãy đến giờ mấy đứa có làm cái trò hề gì không biết. Từ trước lúc xem TV bọn con đã nói là bọn con sẽ thay đồ ngủ mà bây giờ mẹ có thấy động tĩnh gì đâu!
Nên: Mấy đứa, ĐỒ NGỦ!

 

Quy tắc số 8: Nói ra cảm xúc của mình

 

  • Trẻ em có quyền được biết về cảm xúc của bố mẹ.
  • Khi nói cho trẻ biết cảm giác của mình, chúng ta thành thật với con mà không gây tổn thương cho con.
Không nên: Con rất là hỗn! Lúc nào cũng ngắt lời mẹ.
Nên: Mẹ không thích khi mẹ đang nói dở thì có người nói chen vào.
Mẹo vặt: Viết giấy nhắn
Đôi khi những dòng chữ viết ra lại hiệu quả hơn cả.
Trước khi bật TV lên – Thử nghĩ xem – Mình đã làm bài tập về nhà chưa? Mình đã tập đàn chưa? (Giấy nhắn dán trên TV)
Tóm lại:
  • Mô tả những gì bạn thấy hoặc mô tả vấn đề
  • Đưa thông tin
  • Nói ngắn gọn bằng một vài từ
  • Mô tả cảm xúc của mình
  • Viết giấy nhắn (hát bài hát)
  • Không “chèn” thêm cảm xúc
Bài tập về nhà: Phụ huynh làm ít nhất một trong những điều sau:
1 – Kiềm chế không nói ra một lời nào đó và nó đã có tác dụng (ghi lại tình huống, lời nói đã kiềm chế được)
2- Một (số) quy tắc tôi đã áp dụng (ghi lại tình huống, quy tắc áp dụng, phản ứng của trẻ, phản ứng của mình)
3- Lời nhắn đã ghi

Phần 3: Khích lệ tính độc lập của trẻ

Trẻ tập đi và trẻ vị thành niên không khác nhau là mấy…” (Cả hai đều là giai đoạn then chốt đánh dấu sự trưởng thành của trẻ. Nếu con bạn phải vấp ngã nhiều lần mới tự đi được trên đôi chân của mình khi còn bé thì khi đến tuổi vị thành niên cũng vậy.)

Khích lệ tính độc lập của trẻ

Khích lệ tính độc lập của trẻ

Quy tắc số 9: Cho trẻ tự lựa chọn

  • Cuộc sống có rất nhiều thứ để cho con bạn luyện kỹ năng tự đưa ra quyết định.
  • Sẽ cực kỳ khó khi chúng phải đưa ra những lựa chọn mang tính quyết định khi trưởng thành; như lựa chọn nghề nghiệp, phong cách sống, bạn bè, mà không có trong tay rất nhiều kinh nghiệm tự lựa chọn thông qua tự đánh giá
Con thích mặc quần xám hay quần đỏ?
Con muốn uống nửa cốc hay cả cốc nước quả?
Mình còn 5 phút nữa để chơi. Giờ con muốn chơi cầu trượt hay chơi xích đu?

 

Quy tắc số 10: Tôn trọng sự cố gắng của trẻ

 

Khi những cố gắng của trẻ được tôn trọng, chúng sẽ có can đảm tự mình vượt qua thử thách.
Không nên: Thôi, đưa cái lọ cho mẹ nào.
Nên: Lọ thường khó mở lắm. Có khi phải lấy thìa gõ vào nắp mới mới được.
Không nên: Làm cái gì mà lâu thế không biết?
Nên: Buộc dây giày không dễ nhỉ? Ngón tay phải rất là khéo mới được.

 

Quy tắc số 11: Đừng hỏi quá nhiều

 

  • Khi bạn đặt nhiều câu hỏi quá, cũng có nghĩa là bạn đang xâm phạm quá nhiều vào đời tư của người khác.
  • Trẻ sẽ tự nói với bạn khi nào chúng muốn.
Không nên: Cô giáo có thích bài luận của con không? Con có qua bài thi toán không? Hôm nay sau giờ học có bạn nào qua chơi không? Không à? Sao lại không?
Nên: Chào con! Con đã về!

 

Quy tắc số 12: Đừng vội đưa ra câu trả lời

 

Khi một đứa trẻ đặt câu hỏi, bạn nên cho chúng cơ hội được tự tìm ra câu trả lời trước.
Bố ơi, tại sao lại có mưa ạ?
Không nên: Mưa được tạo ra từ sự bay hơi của nước và tích tụ của độ ẩm. Những gì con đang thấy thực chất là…
Nên: Câu hỏi hay đấy. Theo con thì sao nào?

 

Quy tắc số 13: Khuyến khích trẻ sử dụng các nguồn lực bên ngoài gia đình

 

  • Chúng ta nên cho trẻ biết là chúng không thể hoàn toàn dựa dẫm vào bố mẹ.
  • Thế giới bên ngoài ngôi nhà – cửa hàng thú cưng, nha sĩ, trường học, một anh chị lớn hơn – đều có thể được gọi đến để giải quyết các vấn đề của trẻ
Bố ơi, con cá thần tiên của con trông yếu quá. Con phải làm gì bây giờ?
Hay là mình hỏi cửa hàng bán cá cảnh xem họ bảo sao?
Bạn con đứa nào cũng được ăn kẹo cao su. Mẹ mua kẹo cao su cho con nhé.
Để mẹ hỏi bác sĩ nha khoa xem có nên ăn kẹo cao su không nhé.

 

Quy tắc số 14: Đừng dập tắt hi vọng của trẻ

 

  • Thay vì nói con chuẩn bị tinh thần là sẽ thất bại, hãy để con tự khám phá và trải nghiệm.
  • Khi bạn giúp con không bị thất bại, thất vọng, bạn cũng “giúp” con không còn hi vọng, cố gắng, mơ ước, và đôi khi cả thực hiện ước mơ.
Mẹ, con đang thử thi tuyển vào vai chính trong vở kịch ở trường. Mẹ nghĩ con có được chọn không?
Không nên: Nhìn con đi. Mẹ không muốn con thất vọng. Sao phải vào vai chính làm gì trong khi con chả có kinh nghiệm diễ xuất gì cả? Hay là thử vai phụ thôi?
Nên: Ái chà! Vai chính cơ đấy! Oách nhở! Chắc sẽ là một trải nghiệm thú vị đấy.
Tóm lại:
  • Để trẻ tự quyết định
  • Tôn trọng sự cố gắng của trẻ
  • Đừng hỏi quá nhiều
  • Đừng vội đưa ra câu trả lời
  • Khuyến khích trẻ sử dụng các nguồn lực bên ngoài gia đình
  • Đừng dập tắt hi vọng của trẻ
Bài tập về nhà:
Phụ huynh thực hành một (số) quy tắc hoặc cách của riêng mình trong việc giao trách nhiệm cho con và khích lệ con tự làm (ghi lại phản ứng của con, tránh những câu gây áp lực như “Con lớn rồi. Tự mặc quần áo đi, tự xúc đi, tự dọn giường đi.”)

Phần 4: Nói sao cho trẻ nghe lời

Mô tả những gì bạn thấy.
Nói bạn cảm thấy thế nào.
Tóm tắt thành quả của con bằng một từ
Nói sao cho trẻ nghe lời

Nói sao cho trẻ nghe lời

Quy tắc số 15: Mô tả lời khen

Thay vì đánh giá chung chung, hãy mô tả chi tiết bạn thấy gì, bạn cảm thấy thế nào
Không nên: Con dọn phòng rồi. Con ngoan quá! (Mình cũng không ngoan lắm đâu. Thực ra mình tống hết đồ chơi vào gầm giường đấy.)
Nên: Mẹ thấy con đã làm được rất nhiều việc. Sách để lên kệ này. Đĩa nhạc cho vào vỏ này. Bi nhặt hết lên này… Giờ đi vào phòng con mẹ thấy rất thoải mái (Mình không dọn thì thôi, chứ đã dọn là đâu ra đấy!)

 

Quy tắc số 16: Tóm tắt bằng một từ

 

Con thấy cây bị khô và con đã tưới nước à? Như vậy là con rất tự giác đấy.
Mẹ thấy con đã dành cả tiếng đồng hồ để học thuộc từ mới. Con rất là kiên trì đấy.
Con bảo con sẽ về lúc 5h và con đã về đúng 5h. Rất đúng giờ.
Tóm lại:
  • Khen đúng và cụ thể.
  • Gọi tên thành tích của con bằng một từ tích cực.
Bài tập về nhà: Phụ huynh liệt kê 4 điểm tốt của con mình, 4 điều mà con mình làm tốt mà mình chưa bao giờ nhắc đến, viết ra lời nói mình định dành để khen con mình theo hướng mô tả chi tiết, thay vì khen chung chung.

Phần 5: Phạt con sao cho đúng? Hay các biện pháp thay thế hình phạt

Phạt con sao cho đúng? Hay các biện pháp thay thế hình phạt

Phạt con sao cho đúng? Hay các biện pháp thay thế hình phạt

Phạt hay không phạt?

Những lý do phổ biến của phụ huynh khi phạt con:
“Nếu bây giờ mình mà không phạt chúng nó, rồi có ngày chúng nó có thể phạm tội.”
“Lúc đó tôi giận quá nên cũng chẳng biết làm gì khác.”
“Nếu không phạt làm sao con tôi biết nó đã làm sai gì và sao này không tái phạm nữa?”
“Tôi phạt con tôi vì chỉ khi nào bị phạt nó mới hiểu ra vấn đề”

7 biện pháp thay thế hình phạt

  1. Cho con một giải pháp hợp lý hơn
  2. Thể hiện sự không hài lòng
  3. Thể hiện mong muốn của mình
  4. Chỉ cho con cách phải sửa chữa lỗi lầm thế nào
  5. Cho con sự lựa chọn
  6. Hành động
  7. Cho trẻ tự nhận thức được hậu quả của cách cư xử chưa đúng mực
Các phụ huynh có thể kết hợp nhiều biện pháp để xử lý một tình huống, có thể làm từng bước từ “cảnh cáo” đến các “biện pháp mạnh” hơn.
Tình huống số 1: Con bạn chạy nhảy và nghịch phá trong siêu thị
Bước 1: Cho con giải pháp hơp lý hơn
Không nên: Con cứ như cái con khỉ trong rạp xiếc ấy! Tối nay không xem TV nhé!
Nên: Con chọn cho mẹ 3 quả chanh to được không?
Bước 2: Thể hiện rõ sự không đồng tình (nhưng không xúc phạm con)
Không nên: Mẹ mà còn thấy con chạy lung tung nữa là mẹ cho ăn đòn đấy nhé!
Nên: Mẹ rất không hài lòng về con lúc này! Người bán hàng sẽ rất là khó chịu khi trẻ con cứ chạy lung tung giữa các gian hàng.
Bước 3: Cho con sự lựa chọn
Không nên: Này thì chạy này! (Phát vào mông con)
Nên: Billy, không được chạy nữa. Bây giờ mẹ có 2 lựa chọn cho con: một là con đi, một là con ngồi vào trong xe đẩy. Con chọn đi.
Bước 4: Hành động
(Con bạn tiếp tục chạy nhảy và nghịch phá)
“Mẹ hiểu là con lựa chọn ngồi vào trong xe đẩy.” (Đặt con ngồi vào trong xe đẩy)
Bước 5: Để con tự hiểu hậu quả của việc không cư xử đúng
Nếu trẻ tiếp tục hư, chúng ta có thể rời khỏi siêu thị. Không cần giáo huấn, trẻ sẽ tự hiểu hậu quả của việc không cư xử đúng.
(Trong một lần đi siêu thị khác)
Mẹ đi đâu đấy ạ? – Mẹ đi siêu thị.
Mẹ cho con đi với. – Hôm nay thì không con ạ.
Sao lại không được ạ? – Con thử nói cho mẹ tại sao nào.
Vì con đã chạy lung tung trong siêu thị. – Con nói đúng rồi đấy.
Con xin lỗi mẹ. Cho con đi lần này được không mẹ? – Còn nhiều dịp con ạ. Nhưng hôm nay thì không.
Tình huống thứ 2: Con trai mượn cưa của bố rồi quên cất để mưa ướt.
Bước 1: Nói rõ mong muốn của mình
Đối với trẻ, chỉ cần một trong số những biện pháp này là đủ để trẻ hành động có trách nhiệm hơn.
(Nói rõ cảm xúc của mình) Bố rất là giận con vì dùng xong mà không cất cái cưa mới của bố vào. Bây giờ nước mưa vào gỉ hết rồi.
(Nói rõ mong muốn của mình) Bố mong là lần sau khi con mượn đồ của bố thì sẽ trả ngay sau khi dùng xong và không bị hỏng hóc gì.
(Đưa ra giải pháp) Bây giờ con cần dùng cái cọ sắt này và chà thật mạnh. Khi nào làm xong thì phủ một lớp dầu để bảo vệ cưa. – Con sẽ làm ngay ạ.
Bước 2: Cho con lựa chọn
Con có 2 lựa chọn: hoặc là được mượn đồ của bố và trả ngay, hoặc là không được mượn.
(Nếu trẻ vẫn tiếp tục quên)
– Bố, tủ đựng dụng cụ của bố bị khoá rồi ạ.
– Đúng rồi. Hiện tại bố muốn đảm bảo là đồ của bố để đúng chỗ.
KẾT:
Phần 5 cũng là phần kết của chương trình chia sẻ về chủ đề “Nói sao cho trẻ nghe lời” kéo dài trong 5 phần với các chuyên đề cũng là các quy tắc lớn giúp giao tiếp giữa cha mẹ và con cái đạt hiệu quả.
  1. Giúp trẻ giải quyết cảm xúc
  2. Tăng cường sự hợp tác từ trẻ
  3. Khích lệ tính độc lập của trẻ
  4. Nói sao cho trẻ nghe lời
  5. Phạt con sao cho đúng? Hay các biện pháp thay thế hình phạt

>> 12 cách khiến trẻ tin rằng: Mình có khả năng

>> Làm sao để rèn luyện thói quen đọc sách cho trẻ?

—————————————————-
Sworld Việt Nam – Tổ chức phát triển kĩ năng và tiếng Anh thông qua hoạt động trải nghiệm
  • Địa chỉ: Tầng 9, Diamond Flower Tower, Đường Lê Văn Lương, Nhân Chính, Thanh Xuân
  • HOTLINE: 0984.349.171
  • Email: halo@sworld.com.vn
  • Website: sworld.com.vn
  • Fanpage: Sworld Việt Nam

Leave a Reply